Mất cân bằng giới tính khi sinh: Phải giải quyết từ gốc

Việt Nam đã triển khai các chính sách nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn gia tăng ở mức cao. Năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh 112 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105/100 (Theo báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê). Tại Quảng Ninh, năm 2023 tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 113 trẻ em trai/100 trẻ em gái (Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh).

Việt Nam đã triển khai các chính sách nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn gia tăng ở mức trầm trọng, gây ra những hệ lụy khó lường, trở thành một trong những thách thức lớn của ngành dân số.

Định kiến giới - Nguyên nhân gốc rễ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi vẫn là định kiến giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu, bám rễ” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tại Quảng Ninh tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến: Năm 2016 là 123,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2020 là 112,57 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2022 là 110 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2023 là 113 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Tuy nhiên do phong tục tập quán, văn hóa và các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, nên vẫn còn một bộ phận CBVC, người lao động, người dân coi trọng việc sinh con trai nối dõi. Khoa học công nghệ trong chẩn đoán ngày càng phát triển, dễ dàng tạo cơ hội cho việc lựa chọn giới tính thai nhi. Bởi vậy, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh vẫn chưa ổn định.

Hệ lụy nhiều mặt

Một trong những hệ lụy trước mắt, có thể dễ dàng nhìn thấy được mà các nhà nhân khẩu học gọi là "sức ép hôn nhân" là thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu.

Điều này khiến cho nhiều nam giới khó có khả năng lấy vợ; đặc biệt là ở nhóm nam giới có nền tảng kinh tế-xã hội thấp. Tình trạng này sẽ dẫn tới cấu trúc gia đình bị phá vỡ; người già neo đơn, không nơi nương tựa sẽ gia tăng… Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc…

Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm... Để có được con trai, nhiều phụ nữ phải phá thai nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các cá nhân và đặc biệt là người phụ nữ có thể phải chịu áp lực, kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí bạo lực do sự ưa thích con trai. Giá trị, vị thế của người phụ nữ không có con trai bị giảm thấp và thậm trí buộc phải ly hôn vì không có con trai…

BCĐ Dân số và phát triển phường

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 163