Bảo vệ môi trường du lịch biển sau bão

Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, lượng rác thải tại vùng biển phía Bắc tương đối lớn. Việc nhanh chóng triển khai các hành động thiết thực để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, sớm khởi động lại hoạt động du lịch đang là việc làm cấp thiết thời điểm này.

Xử lý rác thải tại Vịnh Hạ Long sẽ được thực hiện liên tục, thường xuyên.

Nỗ lực hồi sinh sau bão

Cơn bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Đây cũng là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh, chỉ trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão. Đáng chú ý, mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật thông thường, khiến cơ quan chức năng phải cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, tức là gần cấp thảm họa.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm đều chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Quảng Ninh, Hải Phòng là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, ghi nhận thiệt hại lớn. Hàng loạt các điểm đến nổi tiếng từ Hạ Long, Bãi Cháy, đảo Cô Tô tới đảo Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn đều bị tàn phá nghiêm trọng, tạm dừng mọi hoạt động du lịch. Trong khi đó, những đơn vị lữ hành kinh doanh du thuyền ở Hạ Long có thể thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng khi du thuyền bị chìm.

Ngay sau khi bão số 3 vừa đi qua, các lực lượng chức năng TP. Hải Phòng đã tiến hành thu gom rác thải, xử lý cây bị đổ gãy và khắc phục sự cố điện để sớm ổn định cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão Yagi, lượng rác thải trên Vịnh Hạ Long tương đối lớn và phức tạp, bao gồm các mảnh vỡ của bè nuôi trồng thủy sản, cành cây, lá cây, hạt xốp từ phao nhựa hàu (HDPE) vỡ, rác thải sinh hoạt, tàu thuyền bị chìm.

Tại Quảng Ninh, ngày 17/9, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã phối hợp với các đơn vị phát động chiến dịch "Ba ngày làm sạch Vịnh Hạ Long" nhằm khôi phục vệ sinh môi trường cho khu di sản để phục vụ du lịch ngay sau cơn bão Yagi. Theo đó, mỗi ngày, sẽ có từ 35 đến 50 xe với khoảng 150 - 200 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Công ty Cổ phần Công viên & Cây xanh Quảng Ninh và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh được huy động tham gia thu gom, vận chuyển rác thải.

Trước mắt, các đơn vị sẽ tiến hành thu gom rác thải tại khu vực lõi Di sản Vịnh Hạ Long, tập trung vào các tuyến du lịch, lưu trú qua đêm,... sau đó là toàn bộ rác thải trên mặt biển, quanh các đảo và bãi cát trên vịnh. Sau chiến dịch này, hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại Vịnh Hạ Long sẽ được thực hiện liên tục, thường xuyên.

Ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trước chiến dịch 3 ngày dọn dẹp vệ sinh vịnh, Ban cùng các lực lượng khác đã triển khai dọn dẹp, thu gom rác thải trên vịnh. Đây là hoạt động tiếp nối chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả cơn bão tại TP. Hạ Long, khẳng định điểm đến an toàn, hấp dẫn để tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế. Từ ngày 13/9/2024, vịnh Hạ Long đã chính thức “mở cửa” để các tàu du lịch hoạt động trở lại bình thường.

"Hy vọng rằng với sự đồng lòng, chung tay của chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân, Hạ Long với tâm thế của thành phố du lịch quốc tế sẽ sớm khôi phục các điều kiện cơ sở vật chất, môi trường để “vượt bão”, tiếp đà thực hiện mục tiêu đón trên 9,5 triệu lượt khách trong năm 2024", đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực dự báo với biến đổi khí hậu

Theo ngành Tài nguyên và Môi trường các địa phương, công tác quản lý, kiểm soát môi trường biển, đảo hiện còn gặp một số khó khăn, một số nhiệm vụ kiểm soát môi trường biển và hải đảo chưa được triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Hiện trạng rác thải vùng ven biển tỉnh chưa được điều tra, thống kê; công tác quản lý rác thải nhựa đại dương hiện nay chủ yếu tập trung vào tuyên tuyền trong khi việc phân loại, thu gom, xử lý chưa được thực hiện bài bản.

Hậu quả cơn bão số 3 cũng cho thấy năng lực dự báo, cảnh báo, có phương án thích ứng với biến đổi khí hậu, triều cường, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển chưa được đầu tư nhiều, nhất là các thiết bị chuyên dùng phục vụ cho việc kiểm soát môi trường biển.

Tương lai gần, những rủi ro thiên tai do bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường và xâm nhập mặn cho khu vực ven biển được dự báo có nguy cơ sẽ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Như vậy, để giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển, rủi ro thiên tai cho vùng ven biển và đảm bảo sinh kế của người dân vùng ven biển một cách bền vững, việc nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển là thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Phương Thảo - THĐ (theo: tapchitaichinh.vn)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 49