Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thời gian qua được các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về VSATTP.
Xây dựng hình ảnh Quảng Ninh an toàn
Vừa qua, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 31 do Việt Nam đăng cai tổ chức diễn ra thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với đoàn thể thao và du khách các nước. Với vai trò là địa phương đăng cai 7 môn thi đấu trong tổng số 40 môn của SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện về hạ tầng thi đấu, địa điểm tập luyện, nơi nghỉ ngơi của các đoàn vận động viên; trong đó đặc biệt chú trọng công tác y tế, đảm bảo VSATTP để SEA Games 31 diễn ra thuận lợi.
Là địa phương đứng thứ hai có nhiều môn thi đấu SEA Games 31 (sau Thủ đô Hà Nội), công tác giám sát, thường trực giám sát về VSATTP trên địa bàn tỉnh được triển khai quy củ, bài bản, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tại 6 địa điểm ăn, ở của các vận động viên, trọng tài, các đoàn thể thao luôn có các tổ thường trực ATTP thực hiện nhiệm vụ thường trực 24/24h. Nhờ đó, đảm bảo ATTP trong suốt thời gian diễn ra SEA Games 31. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ SEA Games 31 và các cơ sở liên quan tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về VSATTP cũng như các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Trước và trong thời gian diễn ra sự kiện, Chi cục thành lập đoàn kiểm tra, giám sát kiểm thực bảo đảm VSATTP tại các nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn uống cho các đại biểu, vận động viên, cán bộ, nhân viên, người phục vụ SEA Games 31 tại các khách sạn: Legacy Yên Tử, Sun Bay, FLC Grand Hạ Long, Hải Yến, Hoàng Tâm, Paddington và các cơ sở dịch vụ ăn uống quanh các địa điểm tổ chức thi đấu. Đồng thời, lấy mẫu thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm kiểm nghiệm nhanh và kiểm nghiệm tại labo (khi cần thiết), phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo đảm VSATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Chi cục sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện để giám sát, điều tra, báo cáo, xử lý kịp thời, nhằm giảm tối đa ảnh hưởng khi có sự cố về VSATTP. Qua đó, tạo được sự an tâm cho các đoàn vận động viên và cổ động viên, góp phần vào thành công của SEA Games 31. Ông Jun Li, HLV trưởng Đội tuyển bóng chuyền nam Campuchia, cho biết: "Tôi thấy công tác tổ chức của Quảng Ninh rất tốt. Các vận động viên được đảm bảo thực đơn dinh dưỡng hợp lý và rất an toàn, nên có thể trạng tốt nhất trong suốt quá trình thi đấu dài ngày...".
Thời gian qua nhiều sự kiện lớn được tổ chức trên địa bàn tỉnh đều diễn ra thành công, trong đó công tác đảm bảo VSATTP có vai trò quan trọng. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện. Đến với Quảng Ninh, bên cạnh tham quan các địa điểm du lịch, thì việc khám phá, thưởng thức đặc trưng văn hoá ẩm thực của Quảng Ninh cũng là một điểm hấp dẫn du khách. Do đó, việc đảm bảo VSATTP luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh an toàn, hấp dẫn và thân thiện.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Xác định công tác đảm bảo VSATTP là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, góp phần đảm bảo thị trường và đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch, Sở Công Thương đã tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về VSATTP theo lĩnh vực ngành quản lý. Trong đó, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ chức triển khai công tác kiểm tra VSATTP thường xuyên. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường.
Theo ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, việc đảm bảo VSATTP trong lĩnh vực du lịch là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đảm bảo an toàn sức khoẻ cho du khách khi thưởng thức các món ăn, còn góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách về thương hiệu của Công ty, hình ảnh du lịch của địa phương. Do đó, Công ty luôn chủ động thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định về VSATTP. Công ty định kỳ cử nhân viên phục vụ, đầu bếp trên các tàu tham gia tập huấn về đảm bảo VSATTP. Các khâu chế biến và bảo quản thực phẩm trên tàu đều đảm bảo yêu cầu về nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở cung cấp có uy tín...
Vì sức khỏe người dân, du khách
Hiện toàn tỉnh có trên 53.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành, địa phương đã tạo điều kiện tối đa để các cơ sở duy trì hoạt động, luôn đảm bảo VSATTP. Từ năm 2021, cơ quan chức năng đã rà soát, bãi bỏ TTHC cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo quy định; tiếp nhận, giải quyết 435 hồ sơ TTHC về VSATTP. Chi cục ATVSTP hướng dẫn, tiếp nhận 260 hồ sơ tự công bố sản phẩm của 187 tổ chức, cá nhân; đăng tải tên sản phẩm, tên cơ sở thực phẩm trên website của Chi cục.
Để tạo điều kiện cho người dân cùng giám sát chất lượng VSATTP, các sở, ngành có chức năng quản lý ATTP còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, Sở NN&PTNT duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin của 61 đơn vị, 314 sản phẩm thực phẩm vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản; đăng tải 197 sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; phối hợp cùng Sở TT&TT, Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa thông tin hơn 400 cơ sở, hộ sản xuất thực phẩm nông nghiệp lên một số sàn thương mại điện tử trong nước. Sở Công Thương thường xuyên thông tin các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tới các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; kết nối khoảng 80% sản phẩm OCOP tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử có uy tín...
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về VSATTP với nhiều hình thức. Trong đó, tổ chức 2.141 lượt phát thanh, truyền thanh, gần 4.000 lượt tin, bài trên báo in, báo điện tử, hơn 13.300 băng rôn, phướn thả về VSATTP... Các ngành chức năng và các địa phương tổ chức 244 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về VSATTP cho 15.642 lượt người là cán bộ quản lý các địa phương, người quản lý, chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tổ chức 646 buổi tọa đàm, nói chuyện, lồng ghép phổ biến kiến thức VSATTP cho 27.093 người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng.
Tỉnh tăng cường các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh với các đơn vị kinh doanh, phân phối trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản bị tồn đọng do dịch bệnh... Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000ha trồng được chứng nhận VietGAP; 45ha được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 14 vùng trồng cây ăn quả; 7 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; 17 cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 745,6ha...
Tỉnh và các ngành, địa phương tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm VSATTP, chủ yếu tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất vệ sinh ATTP, cơ sở có đông người sử dụng sản phẩm..., vào các dịp lễ, tết, các sự kiện lớn. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã thanh, kiểm tra 6.214 cơ sở; qua đó phát hiện hơn 1.100 cơ sở vi phạm, trong đó 327 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay thanh, kiểm tra trên 3.000 cơ sở. Theo cơ quan chức năng, hành vi vi phạm chủ yếu là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về điều kiện VSATTP, quy định về nhãn thực phẩm. Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy gần 200 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP.
Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể tích cực vào cuộc trong công tác đảm bảo ATTP; phát động phong trào thực hiện các tiêu chí về VSATTP gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục duy trì hiệu quả 345 câu lạc bộ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; 13 mô hình điểm phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn tại 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các cấp chính quyền, đơn vị chức năng tỉnh đang nỗ lực hết mình để đảm bảo cho sức khỏe của nhân dân và du khách, góp phần nâng cao chất lượng sống, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững.
Tin tức khác
- Hạ Long Triều cường dâng cao, người dân chật vật di chuyển
- Triển khai phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại Tổ 11 Khu 4 phường Trần Hưng Đạo
- Trường THCS Kim Đồng kỷ niệm 60 năm thành lập (1964-2024)
- 13.500 người từ 55 nước tham gia giải chạy Di sản Hạ Long
- Tài liệu giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024