Chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn
Bệnh viện Bãi Cháy ghi nhận 01 trường hợp mắc liên cầu lợn ngày 15/03/2025, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, đầu chóng mặt nhiều, đau toàn thân…bệnh nhân có ăn tiết canh khoảng 10 ngày trước đó. Bệnh viện đã tiến hành cấy máu và kết quả xét nghiệm: Nhiễm trùng huyết do nhiễm liên cầu lợn. Bệnh liên cầu lợn ít gặp ở người, tuy nhiên, người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết…
Bệnh Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là lây từ lợn sang người do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh thông qua các vết trầy xước, vết thương trên da của người tiếp xúc hoặc ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
Vi khuẩn này xâm nhập qua các vùng tổn thương hở trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng. Cho tới nay chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người.
Người mắc bệnh có các biểu hiện lâm sàng như: Sốt cao, nôn, đau mỏi khắp người, trên da có xuất huyết nhiều mảng mầu thâm đen. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: Sốt, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não. Nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời người bệnh sẽ nặng hơn kèm các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong. Đối với những bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…
Để chủ động phòng chống bệnh, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khácthường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn.
Khi phát hiện lợn bị bệnh phải báo ngay với chính quyền, trạm y tế để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định. Tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định. Bệnh Liên cầu lợn hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Trạm Y tế phường
Tin tức khác
- Quảng Ninh cơ bản hoàn thành tiêm vắc-xin phòng sởi
- Đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin sởi
- Phường Trần Hưng Đạo trao hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở cho hộ khó khăn
- Đảm bảo công tác chỉ đạo xuyên suốt của Công an tỉnh đến Công an phường, xã khi triển khai tổ chức bộ máy mới
- THÔNG BÁO Về việc khung giờ bỏ rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo