Du lịch Quảng Ninh hướng đến những “mùa vàng”

Những ngày đầu năm mới, Quảng Ninh liên tục đón lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch tàu biển. Đây là tín hiệu tích cực, mang đến nhiều kỳ vọng về sự bứt phá của ngành Du lịch, hướng đến mục tiêu đón 17 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh.

2 siêu tàu biển đã đưa gần 3.700 khách châu Âu, Mỹ đến Hạ Long đúng dịp nghỉ Tết Dương lịch.
2 siêu tàu biển đã đưa gần 3.700 khách châu Âu, Mỹ đến Hạ Long đúng dịp nghỉ Tết Dương lịch.

Khởi sắc ngay từ đầu năm

Theo thống kê của Sở Du lịch, trong 3 ngày của kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Quảng Ninh đã đón 170.000 lượt khách du lịch, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách nội địa ước đạt 128.840 lượt, khách quốc tế ước đạt 41.160 lượt, khách lưu trú ước đạt 56.800 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 340 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. 

Dịp nghỉ Tết Dương lịch, Vịnh Hạ Long là điểm đến yêu thích của du khách khi đến Quảng Ninh. Tổng khách thăm Vịnh Hạ Long đạt 33.500 lượt, trong đó khách quốc tế thăm Vịnh đạt 25.400 lượt. Công suất các tàu luôn đạt từ 70-90%. Đáng chú ý, một số du thuyền, tàu nghỉ đêm đã có khách đặt kín từ nhiều tuần trước đó. Anh Trần Mạnh Cường, Quản lý du thuyền Hermes, cho biết: Từ nhiều tuần trước, các phòng trên tàu được khách đặt kín chỗ cho dịp Tết Dương lịch 2024. Thị trường khách khá đa dạng, trong đó 2/3 là khách quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng ghi nhận lượng khách tích cực từ TP Hà Nội, các địa phương lân cận và rất đông khách du lịch phía Nam.

Được biết, một số địa điểm du lịch khác cũng đón lượng khách tăng cao trong 3 ngày nghỉ lễ, như: Bảo tàng Quảng Ninh đón khoảng 4.500 lượt; Công viên Sun World đón khoảng 14.000 lượt; đền Cửa Ông đón khoảng 1.500 lượt. Lượng khách đến Móng Cái ước đạt 48.000 lượt; khách đến tham quan Yên Tử, chùa Ba Vàng và các điểm du lịch tại TP Uông Bí ước đạt 12.000 lượt…

Du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).
Du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).

Đặc biệt, thủ phủ Hạ Long đón gần 70.000 lượt khách, tăng 52% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 30.300 lượt, khách lưu trú đạt 27.914 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 152 tỷ đồng. 

Trong dịp nghỉ lễ này, Quảng Ninh cũng ghi nhận lượng khách quốc tế quay trở lại và tăng cao, ước đạt 41.160 lượt. Thị trường khách quốc tế chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật, Mỹ, Úc, Ý, Pháp, Anh… Tính riêng trong tháng 1, đã có 13 tàu biển đăng ký cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long mang theo gần 20.000 du khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trong đó có nhiều hãng tàu đã quay trở lại Hạ Long nhiều lần. Như tàu Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) đã cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long 8 lần (từ tháng 10/2023 đến nay), mang theo hơn 12.000 du khách châu Âu, châu Mỹ. Đây cũng là một trong những con tàu mang nhiều đoàn khách nhất đến Hạ Long. Hay như tàu Zhao Shang Yi Dun (quốc tịch Trung Quốc) cũng liên tục đưa khách đến Hạ Long. Từ lần cập bến đầu tiên tại Hạ Long vào cuối tháng 11/2023, chỉ chưa đầy 2 tháng, tàu đã đến Hạ Long 8 lần đưa khoảng 7.000 khách du lịch Trung Quốc.

Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Điều hành Sun Group vùng Đông Bắc, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực kết nối và làm việc với các hãng tàu biển để đưa khách du lịch tàu biển trở lại với Quảng Ninh. Mặc dù rất nhiều siêu tàu biển đã đăng ký cập bến trong năm 2024 với lượng khách lớn, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường để đón nhiều con tàu hơn. Bên cạnh đó, làm việc với các đơn vị lữ hành để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và kéo dài các trải nghiệm cho du khách khi ở Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cùng với khách du lịch tàu biển, lượng khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II cũng đã tăng mạnh, nâng lượng khách Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái lên 13.000 lượt. Đây là kết quả của việc hiện thực hóa Lễ khởi động hoạt động xuất, nhập cảnh hành khách qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tại khu vực Cửa khẩu cầu Bắc Luân II được TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) phối hợp tổ chức trước đó vào ngày 29/11/2023. Qua đó, thúc đẩy hoạt động du lịch, thương mại khu vực biên giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc phát triển.

Khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Hữu Việt
Khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Hữu Việt

Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, TP Móng Cái tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, lực lượng chức năng kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch. Đồng thời tăng cường các biện pháp bình ổn, quản lý giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2024; không để xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá, thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, nhất là khách du lịch đến TP Móng Cái. Thành phố cũng sẽ chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, hoạt động vui chơi giải trí dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phong phú, sôi nổi, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc và dấu ấn riêng của địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Hiện thực hóa mục tiêu 17 triệu lượt khách

Năm 2024, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu du lịch đạt 39.100 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý I, ngành Du lịch dự kiến đón 5,1 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 9.948 tỷ đồng. Quý II, đón 4,5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 10.182 tỷ đồng. Quý III, đón khoảng 4,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 11.292 tỷ đồng.

Đây là thời điểm có nhiều ngày nghỉ, ngày lễ như: Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5…, cũng là thời gian nghỉ hè của học sinh. Vì vậy, thị trường khách nội địa dự kiến sẽ rất sôi động. Lượng khách du lịch có xu thế tăng mạnh, tập trung vào đầu tháng 5 và tháng 6, chủ yếu ở các địa phương có thế mạnh du lịch biển đảo như: Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái. Quý IV, Quảng Ninh dự kiến đón 2,8 triệu lượt khách du lịch, tổng thu ước đạt 8.128 tỷ đồng. Do đặc điểm thời tiết mùa đông lạnh và thói quen đi du lịch của du khách khu vực miền Trung, miền Nam nên nhu cầu của du khách nội địa có sự thay đổi, tập trung ở các địa phương như: Hạ Long, Uông Bí, Bình Liêu, Tiên Yên. Đây cũng là thời điểm khách du lịch quốc tế tăng trưởng tốt, hướng đến các loại hình dịch vụ trải nghiệm văn hóa dân tộc độc đáo, du lịch nghỉ dưỡng hạng sang, chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm 2024 ngành Du lịch Việt Nam và Quảng Ninh vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và khả năng chi tiêu của khách du lịch... Bên cạnh đó, ngành Du lịch vẫn còn đó những “khoảng trống” cần hoàn thiện như: Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch, sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch, điểm đến, chất lượng nguồn lao động… Trong đó, việc phát triển các sản phẩm du lịch mới vẫn còn khó khăn, vướng mắc, cần được hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Du khách tham quan Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch: Để hiện thực hóa mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, ngành Du lịch bám sát chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Từ đó, tập trung rà soát hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan phát triển các sản phẩm du lịch mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế đêm. Trước mắt trong quý I, Sở sẽ triển khai các hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên đán, hoạt động lễ hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động phát động chương trình kích cầu du lịch theo kế hoạch; chuẩn bị các điều kiện để đón các hãng tàu biển quốc tế theo lịch trình; rà soát, đánh giá tình hình đón khách du lịch Trung Quốc qua đường bộ.

Du khách trải nghiệm gói bánh chưng tại Khu du lịch Quảng Ninh Gate.
Du khách trải nghiệm gói bánh chưng tại Khu du lịch Quảng Ninh Gate.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối với các địa phương đã có ký kết hợp tác du lịch để trao đổi nguồn khách như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh. Đồng thời kiểm tra, rà soát các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ khách du lịch; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức các hoạt động sự kiện tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh để mở rộng không gian, kéo dài thời gian lưu trú; tổ chức các chương trình tour du lịch MICE.

Cùng với đó, ngành Du lịch chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh.

Đặc biệt, ngành Du lịch chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong du lịch cho các doanh nghiệp và địa phương trên địa bàn tỉnh như: Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Travel”; hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; nâng cấp website du lịch Quảng Ninh; tăng cường thực hiện quảng bá du lịch Quảng Ninh bằng cách sản xuất các clip ngắn quảng bá các điểm đến du lịch Quảng Ninh.

Đối với thị trường khách quốc tế, ngành Du lịch chủ động đổi mới và tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung quảng bá vào các thị trường Đông Bắc Á gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các thị trường mới: Ấn Độ và Trung Đông. Bên cạnh đó, tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch Quảng Ninh tới các cơ quan đại diện, các tổ chức nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với một số thị trường tiềm năng như ASEAN, tỉnh chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, nhất là các tỉnh trong khối liên minh du lịch Đông Bắc Á để xây dựng “đường bay di sản” giữa 3 địa phương: Vịnh Hạ Long (Việt Nam), Luang Prabang (Lào) và Angkor Wat (Campuchia), tạo điều kiện tối đa cho việc xuất nhập cảnh của khách du lịch. Ngành Du lịch cũng hướng đến đẩy mạnh liên kết, hợp tác với tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc như: Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thiên Tân.

Hoàng Quỳnh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 455