Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh tháng 12/2020

Chiều 15/12, tại Hội trường Công ty xăng dầu B12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thành ủy Hạ Long phối hợp tổ chức Hội nghị Báo cáo viên cấp tỉnh tháng 12/2020. Dự hội nghị có các đồng chí: Vi Ngọc Bích, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trương Công Ngàn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Hồng Cẩm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Thùy Dương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Lê Hưng, Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long; Trịnh Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty Xăng dầu B12.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Trịnh Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty Xăng dầu B12 đã thông tin nhanh về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2020.  Công ty  xăng dầu B12 là đơn vị đầu mối của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ở miền Bắc. Công ty quản lý khai thác các công trình gồm: Cảng dầu tiếp nhận được loại tầu đến 40.000 DWT; 5 kho xăng dầu với sức chứa 357.200 m3, được nối liên hoàn với gần 600km đường ống xăng dầu. Tại Cảng đầu mối mỗi năm tiếp nhận hơn 4 triệu m3 xăng dầu các loại. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song công ty vẫn đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cho hầu hết các tỉnh, thành phố vùng duyên hải, đồng bằng trung du, miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung; dự trữ xăng dầu Quốc gia theo kế hoạch và đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho 1.460 lao động với mức lương bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe đồng chí Phạm Lê Hưng, Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long thông tin một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của thành phố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song giá trị sản xuất của thành phố năm 2020 vẫn ước tăng 5,6% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế duy trì với tỷ trọng ngành dịch vụ là mũi nhọn, chiếm 52,8%, công nghiệp – xây dựng 46%, nông lâm nghiệp và thủy sản 1,2%. Tổng khách du lịch ước cả năm đạt 4,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 9.867 tỷ đồng. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới đối với xã Kỳ Thượng và nông thôn mới nâng cao đối với xã Dân Chủ. Thu ngân sách ước đạt 6.432,9 tỷ đồng, bằng 113,9% dự toán tỉnh giao, bằng 127,2% so với năm 2019. Tổng chi ngân sách ước 4.684 tỷ đồng. Thành phố đã tập trung bố trí vốn cho các công trình cấp bách, công trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, các dự án trọng điểm, động lực và dự án chuyển tiếp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy kết nối và phát triển các xã vùng cao.

Đồng chí Phạm Lê Hưng, Phó Bí thư Thành ủy phát biểu tại hội nghị

Thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Tỉnh ủy, thành phố Hạ Long đã tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; kết quả đã giảm 44 đầu mối cơ quan, đơn vị; giảm 21 cấp trưởng, 3 cấp phó phòng, ban, đơn vị; thực hiện điều động, luân chuyển, giới thiệu bầu, bổ nhiệm 312 lượt cán bộ diện BTV Thành ủy quản lý.

Sau nội dung thông tin của thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương thông tin tới hội nghị chuyên đề Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2010, Quảng Ninh mới có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo; đến năm 2020 đã tăng lên 841 doanh nghiệp, chiếm 81,8% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010 - 2020 đạt gần 69 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,29% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh, chiếm 28,7% tổng vốn toàn ngành công nghiệp. Ngành đã tham gia giải quyết công ăn việc làm cho hơn 54 nghìn lao động mỗi năm.

Đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương thông tin tại hội nghị

Xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Cùng với đó, tỉnh phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại).

Thông tin tại hội nghị về chuyên đề Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho biết: Dù chịu nhiều ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19 song với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Tỉnh vẫn ước đạt 10% và là 1 trong số ít các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư thông tin tại hội nghị

Tỉnh đã tập trung tháo gỡ cho các ngành công nghiệp chủ lực (than, điện, xi măng…); khu vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất, khẳng định trụ cột đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tổng số khách du lịch cả năm ước đạt 10 triệu lượt; thu ngân sách nhà nước ước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.

Cùng với đó, các dự án, công trình trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ. Năm 2020, Quảng Ninh đã khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư 9 dự án, công trình động lực, với tổng vốn đầu tư 32.338 tỷ đồng; hoàn thành và gắn biển các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV với tổng mức đầu tư trên 5.649 tỷ đồng... Tổng chi an sinh xã hội đạt 2.280 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 0,36%...

Năm 2021, Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt khoảng 10%. Thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng (tăng 10% so với năm 2020); Kịch bản kinh tế năm 2021 vẫn phải đặt trong bối cảnh có dịch COVID-19; trong đó, tạo điều kiện tốt nhất để ngành than phát triển sản xuất kinh doanh bền vững tăng tối đa sản lượng cả sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời tạo đột phá mới trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xác định tập trung vào thị trường nội địa, do vậy tiếp tục phải kéo dài cơ chế kích cầu du lịch nội địa; phát triển kinh tế biển, cảng biển, dịch vụ cảng biển; đẩy nhanh các dự án đầu tư công, các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách và khu vực dân doanh.

Đồng chí Trương Công Ngàn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

định hướng một số nội dung cần tập trung tuyên truyền trong thời gian tới

Về định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Trương Công Ngàn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quán triệt các đồng chí báo cáo viên cần tập trung tuyên truyền một số nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền Chương trình hành động của Tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục tuyên truyền hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuyên truyền nội dung, kết quả Hội nghị lần thứ 14 BCH Trung ương Đảng; 27 Nghị  quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa XIII; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương năm 2020 gắn với kết quả thực hiện chủ đề năm “Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững”. Tiếp tục tuyên truyền, phản ánh đầy đủ tình hình dịch bệnh Covid-19 để người dân nâng cao cảnh giác về nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn; đồng thời ủng hộ đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội…

Phương Loan – Quang Cảnh

 

 

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 533