Lấy ý kiến đồ án quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 19/11/2021.
Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 1959/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040
Sau khi thực hiện sát nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Hạ Long (mới) có 1.119,12 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số thường trú 327.405 người; thành lập phường Hoành Bồ thuộc thành phố Hạ Long trên cơ sở diện tích tự nhiện và quy mô dân số của thị trấn Hoành Bồ (Sau khi sắp xếp, thành phố Hạ Long có 33 đơn vị hành chính cấp xã, phường). Các vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long (mới) đã có thêm những định hướng phát triển mới (mở rộng không gian đô thị về phía Bắc Vịnh Cửa Lục để vịnh Cửa Lục là trung tâm cho định hướng phát triển không gian, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị theo tiêu chí loại I chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế, hình thành không gian phát triển đô thị theo mô hình đô thị cạnh tranh đa cực) và giải quyết những vấn đề mâu thuẫn của thực tế quản lý phát triển đô thị:
Sơ đồ định hướng phát triển không gian quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 (tài liệu lấy ý kiến cộng đồng)
(1) Về tính chất, chức năng: Sau khi sáp nhập cần phải điều chỉnh các giải pháp khai thác để phù hợp với bối cảnh mở rộng địa giới hành chính, cập nhật các định hướng phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long trong giai đoạn phát triển mới; trong đó, xem xét chuyển đổi hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục và khai thác phát triển vùng phía Bắc Vịnh Cửa Lục và khu vực đồi núi để phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đa dạng hóa các động lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn sản phẩm ngành nghề lợi thế, phát triển hài hòa các ngành, lĩnh vực, phát triển bền vững, dịch vụ du lịch chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh thân thiện với môi trường; Hướng tới xây dựng thành phố Hạ Long là vùng kinh tế động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của tỉnh Quảng Ninh.
(2) Về tổ chức không gian: Sau khi mở rộng địa giới hành chính, cần có giải pháp quản lý thống nhất về không gian và hệ thống hạ tầng kết nối khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục, thực hiện mục tiêu phát triển Vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm phát triển của Thành phố. Rà soát điều chỉnh không gian các khu vực đô thị hiện hữu, phát triển không gian kiến trúc đô thị thành đô thị cạnh tranh đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng, phát triển không gian kiến trúc, phát triển các động lực mới, mỗi công trình kiến trúc là một biểu tượng dịch vụ du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế; Không gian đô thị khoáng đạt đảm bảo môi trường sống nhằm tạo dựng “thành phố xanh - sạch - đẹp”.
(3) Về kết nối hạ tầng: Để phát triển thành trung tâm động lực của tỉnh Quảng Ninh, cần phải đầu tư các tuyến giao thông kết nối về phía Bắc thành phố (xã Kỳ Thượng), kết nối với huyện Ba Chẽ, kết nối với huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), kết nối với Quốc lộ 4B (đi tỉnh Lạng Sơn); thiết lập hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ đồng bộ, liên thông, tổng thể, kết nối để tăng giá trị khai thác các lợi thế cạnh tranh.
(4) Về bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ: Với yêu cầu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, phía Bắc thành phố, đặc biệt là bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn hiện trạng theo các Chỉ thị của Ban Bí thư, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ rừng tự nhiên, rừng ngập mặn, cần phải điều chỉnh giải pháp quy hoạch, các khu vực chức năng để bảo tồn, phát triển diện tích rừng tự nhiên, rừng ngập mặn để đảm bảo môi trường sinh thái.
(5) Về bảo vệ môi trường: Việc bảo vệ và cải thiện môi trường thành phố Hạ Long nói chung và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục nói riêng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai; cần có định hướng, lộ trình xử lý cụ thể đối với các nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, nhà máy vôi..., các khu vực khai thác đá, khai thác đất, sản xuất vật liệu xây dựng, bến cảng than, cảng vật liệu, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản công nghiệp để từng bước cải thiện chất lượng môi trường khu vực và tạo quỹ đất phát triển không gian xanh cho Thành phố.
(6) Về tổ chức triển khai đầu tư phát triển theo quy hoạch: Khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục đóng vai trò là khu vực phát triển đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh nói chung và góp phần hoàn thiện không gian, chất lượng đô thị của thành phố Hạ Long nói riêng; theo đó, việc quy hoạch phát triển cần gắn với kế hoạch triển khai đầu tư theo quy hoạch hạ tầng đồng bộ, không gian sinh thái hiện đại với các cơ chế chính sách quản lý minh bạch, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị bền vững về dài hạn.
Ngoài ra, việc quy hoạch chung thành phố Hạ Long sau khi mở rộng cần tìm ra các định hướng chiến lược, làm động lực cho phát triển Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong giai đoạn mới. Với yêu cầu đó, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và Nhiệm vụ quy hoạch, giao tỉnh Quảng Ninh tổ chức lập Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tại Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 19/11/2021.
1. Tên đồ án: Quy hoạch chung Thành phố Hạ Long đến năm 2040.
2. Phạm vi, quy mô và thời hạn quy hoạch
a. Phạm vi khu vực lập quy hoạch là toàn bộ đơn vị hành chính thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 21 phường: Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Hồng Gai, Hồng Hải, Hồng Hà, Hà Tu, Cao Xanh, Hà Khánh, Hà Phong, Cao Thắng, Hà Trung, Hà Lầm, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Việt Hưng, Giếng Đáy, Tuần Châu, Đại Yên, Hà Khẩu, Hoành Bồ và 12 xã: Bằng Cả, Dân Chủ, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Hòa Bình, Kỳ Thượng, Lê Lợi, Quảng La, Sơn Dương, Tân Dân, Thống Nhất, Vũ Oai.
Phạm vi nghiên cứu gián tiếp ra các đô thị, địa phương lân cận và kết nối với quy hoạch bảo tồn và phát triển Vịnh Hạ Long.
b. Quy mô lập quy hoạch: Diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322 km2 (112.132 ha);
c. Thời hạn quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2040.
3. Mục tiêu lập quy hoạch:
- Xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long; Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
- Phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc; nâng cao vai trò, vị thế của thành phố Hạ Long, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh, tạo giá trị phát triển mới để tăng sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
- Khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đô thị Hạ Long; Tạo việc làm; nâng cao chất lượng đô thị; khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển du lịch. Phát triển mạnh các loại hình vận tải công cộng, dịch vụ cảng biển, logistics, từng bước đưa Hạ Long trở thành trung tâm logistics của cả nước. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ phát triển rừng và cảnh quan thiên nhiên.
- Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng (đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không) kết nối trong nước và quốc tế.
- Làm cơ sở để quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách phát triển thành phố Hạ Long và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
4. Tính chất đô thị
- Trung tâm dịch vụ, du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
- Thành phố cấp vùng với chức năng chính: Trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm của khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Bắc.
- Trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục của tỉnh Quảng Ninh; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ tài nguyên rừng, biển và cảnh quan thiên nhiên; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.
- Thành phố phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
5. Các chỉ tiêu phát triển đô thị
a) Quy mô dân số
- Dân số hiện trạng năm 2020 khoảng 467.400 người (trong đó: dân số thường trú khoảng 327.400 người, dân số quy đổi khoảng 140.000 người).
- Dân số đến năm 2030 khoảng 620.000 ÷ 650.000 người (trong đó: dân số thường trú khoảng 430.000 ÷ 450.000 người, dân số quy đổi khoảng 190.000 ÷ 200.000 người).
- Dân số đến năm 2040 khoảng 800.000 ÷ 830.000 người (trong đó: dân số thường trú 550.000 ÷ 570.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000 ÷ 260.000 người).
b) Quy mô đất đai
- Giai đoạn đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 11.200 ha, trong đó: Đất dân dụng khoảng 6.342 ha, chỉ tiêu 98 m2/người, đất ngoài dân dụng khoảng 4.858 ha.
- Giai đoạn đến năm 2040: Đất xây dựng đô thị khoảng 15.165 ha, trong đó: Đất dân dụng khoảng 8.550 ha, chỉ tiêu 106 m2/người, đất ngoài dân dụng khoảng 6.615 ha.
6. Định hướng phát triển không gian và thiết kế đô thị
Thành phố phát triển theo mô hình đa cực, gắn với các hành lang phát triển gồm 5 cực (Vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây và Vùng phía Bắc Vịnh Cửa Lục và Khu vực đồi núi phía Bắc), 1 hành lang ven vịnh Hạ Long và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
- Vùng I (Vịnh Hạ Long): Vịnh Hạ Long được quy hoạch bảo tồn phát triển theo dự án riêng, mở rộng không gian phát triển gắn với Vịnh Bái Long, Vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà thành không gian di sản thiên nhiên đặc sắc. Dựa trên các nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị Vịnh Hạ Long để định hướng các giải pháp về không gian, kiến trúc cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật của Thành phố Hạ Long. Kiểm soát phát triển các công trình kiến trúc cao tầng ven Vịnh, công trình tại các khu vực đồi núi và đặc biệt kiểm soát các nguồn thải làm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường Vịnh Hạ Long.
- Vùng II - Vùng phía Đông: Ranh giới, diện tích: thuộc các phường: Trần Hưng Đạo; Hồng Gai; Bạch Đằng; Hồng Hải; Hồng Hà; Hà Trung; Hà Tu; Hà Phong; Hà Lầm; Yết Kiêu; Cao Thắng; Cao Xanh; Hà Khánh. Diện tích tự nhiên khoảng 9.784 ha; dân số đến năm 2040 khoảng 307.000 người. Tính chất, chức năng: Là trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa cấp Tỉnh, Trung tâm tổng hợp của Thành phố Hạ Long; đô thị dịch vụ du lịch. Khu vực có vùng khai thác than.
- Vùng III - Vùng phía Tây: Ranh giới, diện tích: thuộc các phường Bãi Cháy; Hùng Thắng; Giếng Đáy; Hà Khẩu; Việt Hưng; Đại Yên; Tuần Châu. Diện tích tự nhiên khoảng 13.056 ha; dân số đến năm 2040 khoảng 329.000 người. Tính chất, chức năng: Là trung tâm dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí quốc tế, đô thị dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ cảng và công nghiệp công nghệ cao. Trung y tế, thể dục thể thao cấp vùng. Khu vực có vùng bảo vệ hồ chứa nước Yên Lập.
- Vùng IV – Vùng phía Bắc Vịnh Cửa Lục: Ranh giới, diện tích: thuộc các phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi, xã Thống Nhất, xã Vũ Oai, xã Sơn Dương. Diện tích tự nhiên khoảng 8.630 ha; dân số đến năm 2040 khoảng 150.000 người. Tính chất, chức năng: Là khu dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, khu dự trữ phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh như y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao.
- Vùng V – Vùng Đồi núi phía Bắc: Ranh giới, diện tích: thuộc các xã Sơn Dương; Dân Chủ; Quảng La; Bằng Cả; Tân Dân; Đồng Lâm; Đồng Sơn; Kỳ Thượng; Vũ Oai; Hòa Bình. Diện tích tự nhiên khoảng 75.623 ha; dân số đến năm 2040 khoảng 44.000 người; Tính chất, chức năng: Là Khu bảo tồn sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khu du lịch sinh thái cộng đồng.
Vịnh Hạ Long là hình ảnh đặc trưng của đô thị Hạ Long, các dự án, công trình khi được hình thành phải xác định trên cơ sở các tầm nhìn hướng ra Vịnh Hạ Long và các tầm nhìn từ ngoài Vịnh vào trong đô thị, để đảm bảo sự hài hòa, gắn kết với di sản. lấy mục tiêu bảo tồn di sản vịnh Hạ Long làm trọng tâm để Quy hoạch phát triển các khu chức năng thành phố.
Phát triển không gian đô thị về phía Bắc, lấy Vịnh Cửa Lục làm trọng tâm thành phố, các khu vực chức năng bao quanh không gian Vịnh Cửa Lục như khu Cao Xanh - Hà Khánh, Cái Lân - Giếng Đáy và Lê Lợi - Thống Nhất cần được kiểm soát phát triển để tạo không gian cảnh quan xung quanh Vịnh, thiết lập hệ thống các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng (mỗi công trình sẽ là một biểu tượng kiến trúc để quảng bá du lịch). Từng bước khắc phục các tồn tại về môi trường như dừng hoạt động các khu khai thác than, nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất nhiệt điện và hoạt động cảng. Khu vực ven Vịnh Cửa Lục sẽ ưu tiên phát triển các chức năng công cộng, dịch vụ, quảng trường, công viên sinh thái, công trình văn hóa, kiến trúc điểm nhấn để tạo sự tiếp cận của cộng đồng. Quản lý không gian mặt nước Vịnh để bố trí các luồng đường thủy, khu vực đậu thuyền, khu vực vui chơi giải trí trên mặt nước. Kết nối khu vực Vịnh Cửa Lục và trung tâm Thành phố với khu vực đồi núi phía Bắc (khu vực các xã Hoành Bồ cũ) bằng hệ thống giao thông đồng bộ tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế xã hội, mở ra cơ hội phát triển cho các xã vùng cao, khai thác tối đa điều kiện, lợi thế về tự nhiên để phát triển du lịch, dịch vụ.
Phát triển hệ thống trung tâm phân tán, gắn với các phân vùng phát triển, tạo hình thái phát triển đặc trưng cho từng khu vực, tăng cường các cấu trúc phát triển hỗn hợp đa năng, cân bằng tại chỗ để phục vụ dân cư đô thị và phát triển dịch vụ, du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Từng bước hoàn nhập hoạt động dịch vụ du lịch với đời sống cộng đồng đô thị. Chuyển dịch các trung tâm chức năng theo yêu cầu chuyển đổi, phát triển kinh tế xã hội (chuyển dịch các thao trường huấn luyện, trại giam, trường bắn, trường lái,...). Bố trí các cụm trung tâm dự trữ cấp thành phố như hành chính, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công nghệ cao ... tại khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, gắn với các modul phát triển để hình thành các tổ hợp dự án động lực trong tương lai.
Kiểm soát hành lang ven biển, giới hạn các khu vực lấn biển, kết nối các dự án riêng lẻ thành tổng thể chung, tăng cường các không gian, công trình và dịch vụ phục vụ cộng đồng, thực hiện các biện pháp ứng phó với tai biến môi trường, biến đổi khí hậu. Thực hiện nghiên cứu thiết kế đô thị riêng cho từng đoạn tuyến ven biển để có chỉ dẫn thiết kế cụ thể, chi tiết cho các dự án đầu tư xây dựng mới, dự án cải tạo chỉnh trang không gian ven biển. Chuỗi hành lang ven Vịnh Hạ Long đã được xây dựng cơ bản ổn định, cần tổ chức không gian cảnh quan ven biển, bổ sung các công trình kiến trúc điểm nhấn, không gian cộng đồng thân thiện với người dân và du khách. Các công trình ven vịnh Hạ Long cần quản lý chặt về kích thước khối tích, chiều cao và hình thái kiến trúc để đảm bảo hài hòa với di sản Vịnh Hạ Long, không làm lấn át không gian cảnh quan Vịnh Hạ Long.
Hệ thống đồi núi là hình ảnh đặc trưng trong khu vực thành phố Hạ Long. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng trên các khu vực đồi núi để đảm bảo khai thác các khu vực đồi núi tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, đồng thời tạo hình ảnh mới, các dịch vụ phục vụ nhu cầu phát triển của đô thị. Các khu vực đồi núi phát triển các không gian xanh, mật độ xây dựng thấp, phát triển các công trình có tính chất công cộng phục vụ đô thị và du lịch. Hạn chế xây dựng kiến trúc lớn, làm ảnh hưởng cảnh quan chung của đô thị.
Định hướng quy hoạch cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu được xác định cụ thể trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết ở giai đoạn tiếp theo để phù hợp với đặc điểm hiện trạng của từng khu vực. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, chuyển đổi mô hình từ nhà ở riêng lẻ hợp khối thành các nhà chung cư hoặc nâng tầng đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định về kiến trúc cảnh quan, nâng cao hệ số sử dụng đất và tiện nghi cho sử dụng. Chú trọng quy hoạch mở rộng hoặc xen cấy các khu nhà ở công nhân, các khu công nghiệp, khu tái định cư...; khu nhà ở xã hội, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, cải tạo các khu chung cư cũ xuống cấp...
Kiểm soát chặt chẽ tầng cao công trình phù hợp với đặc điểm địa hình, yêu cầu bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long và khả năng đáp ứng hạ tầng của từng khu vực. Theo định hướng sẽ không xây dựng công trình cao tầng ra ven mặt biển, làm che chắn tầm nhìn từ đô thị ra khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Cửa Lục. Các điểm cao trên các khu vực đồi núi được xác định là điểm nhấn, tạo trường nhìn ra phía Vịnh và là cơ sở định hướng các khu vực tầng cao phù hợp với đặc điểm địa hình tại khu vực. Hạn chế xây dựng công trình kiến trúc lớn, công trình cao tầng trên các khu vực đồi núi, làm biến dạng đặc điểm địa hình tại khu vực.
Khai thác bãi triều tại các khu vực Tuần Châu, Đại Yên và xung quanh vịnh Cửa Lục phục vụ phát triển đô thị, dịch vụ du lịch, trên cơ sở đánh gíá cụ thể về điều kiện tự nhiên, thực trạng hệ sinh thái và các tác động của biến đổi khí hậu. Không bố trí công trình gây ảnh hưởng tới các hoạt động trên biển và hành lang hàng hải quốc tế; không gây tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế - xã hội đối với khu vực hiện hữu trên bờ; tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quy hoạch không gian biển và quy hoạch sử dụng vùng bờ.
7. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội
Chuyển dịch hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ cảng sang sản xuất công nghiệp, cụm CN, dịch vụ hậu cần và kho bãi, với diện tích khoảng 2.018 ha, bao gồm: Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng (396 ha) thành khu công nghiệp sạch, công nghệ cao, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại. Từng bước chuyển đổi Khu công nghiệp Cái Lân (140 ha) sang công nghiệp sạch, dài hạn có thể chuyển đổi thành khu vực phức hợp dịch vụ đô thị và dịch vụ cảng. Bố trí quỹ đất Khu công nghiệp mới phía Tây quy mô khoảng 453ha. Cụm công nghiệp Hà Khánh (60 ha) thực hiện lộ trình di dời theo chủ trương của Tỉnh. Cụm công nghiệp Hoành Bồ (128ha) thực hiện chuyển đổi theo chủ trương của Tỉnh, di dời ra vị trí mới nằm phía Bắc đường cao tốc. Hoàn nguyên môi trường các khu khai trường mỏ lộ thiên, chuyển đổi thành các khu công viên cây xanh TDTT (sân golf), khu du lịch, đô thị sinh thái theo lộ trình đối với các khu kết thúc khai thác; xác định các vành đai cây xanh cách ly, các giải pháp bảo vệ môi trường đối với các mỏ còn tiếp tục khai thác.
Phát triển các tổ hợp dịch vụ thương mại, trung tâm mua sắm tại các khu vực cửa ngõ (nút Minh Khai, Cầu Bang, Hà Phong), trung tâm các khu vực đô thị (Hòn Gai, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Giếng Đáy, Hà Khánh), dịch vụ bán hàng miễn thuế tại những khu vực có kiểm soát để phục vụ phát triển du lịch quốc tế, du lịch chất lượng cao và nhu cầu hệ thống đô thị tại khu vực. Phát triển hệ thống chợ theo phân bố dân cư, đáp ứng nhu cầu của người dân và kết hợp phục vụ du lịch.
Phát triển du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại Bãi Cháy - Hùng Thắng, du lịch văn hóa tại khu vực Hòn Gai, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại Tuần Châu, Đại Yên, kết hợp với địa phương lân cận để bổ sung các dịch vụ hỗ trợ du lịch. Thu hút đầu tư hệ thống các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí chất lượng cao để cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách du lịch. Bố trí quỹ đất 524 ha để xây dựng các cơ sở lưu trú như resort, khách sạn, nhà nghỉ.... Phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển Hồng Gai, Hồng Hà, Hà Phong, Cao Xanh, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu ... để phục vụ du khách và cộng đồng. Phát triển các hoạt động đa dạng trên vịnh Hạ Long và vịnh Cửa Lục để phục vụ du khách.
Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội theo các phân vùng đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách với các cơ sở hạ tầng dịch vụ chất lượng cao, đặc thù và hấp dẫn người dân theo các tiêu chí đô thị loại I.
8. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật thành phố Hạ Long theo định hướng hạ tầng xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nền tảng cho phát triển bền vững và xây dựng đô thị dịch vụ du lịch quốc tế. Bố trí các trung tâm điều hành tập trung để quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Lựa chọn giải pháp thiết kế hạ tầng đô thị phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng khu vực, khuyến khích sử dụng vật liệu, năng lượng tái tạo, hạn chế cứng hóa bề mặt đô thị để tăng cường khả năng thấm nước tự nhiên. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thiết kế theo hướng phân tán, cân bằng cho từng khu vực, tự xử lý môi trường theo từng khu vực, bố trí hệ thống hồ điều hòa và kênh thoát nước mặt theo các lưu vực để hỗ trợ thoát nước mặt và tạo cảnh quan đô thị.
Sơ đồ định hướng phát triển giao thông và hạ tầng kĩ thuật quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 (tài liệu lấy ý kiến cộng đồng)
9. Kinh tế đô thị
a) Chương trình và dự án ưu tiên đầu tư theo các giai đoạn:
- Giai đoạn 2022 - 2025: Hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; xây dựng đề án phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh; Hoàn thiện các tuyến giao thông và nút giao đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 và đường vành đai ven Vịnh Cửa Lục; các dự án hạ tầng du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu.
- Giai đoạn 2026 - 2030: Phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven biển; mở rộng đô thị về phía Đông (Hà Phong), phía Tây (Đại Yên) và mở rộng kết nối về phía Bắc vịnh Cửa Lục. Thực hiện cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng các quỹ đất hiện có; phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị như: đường sắt đô thị, tuyến giao thông công cộng và các loại hình giao thông thủy để tăng cường kết nối giao thông giữa các khu vực; phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở hạ tầng được thiết kế lưỡng dụng để phục vụ đô thị và phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch.
- Giai đoạn 2031 - 2040: Mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận như Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long. Khai thác các khu vực chuyển đổi như khu vực Cái Lân, CCN Hà Khánh, CCN Hoành Bồ, Nhà máy xi măng Thăng Long, nhà máy xi măng Hạ Long, khai trường khai thác than, cơ sở sản xuất để tạo các công trình dịch vụ đô thị, công viên đô thị và bổ sung không gian phát triển cho thành phố Hạ Long. Thu hút phát triển các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn đô thị.
b) Nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo điều kiện huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia xây dựng phát triển đô thị và dịch vụ du lịch.
Tin tức khác
- Hạ Long Triều cường dâng cao, người dân chật vật di chuyển
- Triển khai phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại Tổ 11 Khu 4 phường Trần Hưng Đạo
- Trường THCS Kim Đồng kỷ niệm 60 năm thành lập (1964-2024)
- 13.500 người từ 55 nước tham gia giải chạy Di sản Hạ Long
- Tài liệu giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024