Nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường (BVMT) là trách nhiệm của toàn xã hội. Thời gian qua, nhiều mô hình BVMT hiệu quả được triển khai, góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.

CNLĐ Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh phân loại rác thải trước khi gửi vào "Ngân hàng rác".

Nhằm giảm chi phí nguyên liệu đốt lò, hạn chế rác thải nhựa, BVMT, ngay sau khi được cấp phép xử lý rác thải thông thường, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã triển khai mô hình "ATM rác" tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch (phường Phương Nam, TP Uông Bí). Công ty thu mua rác thải nhựa, kim loại, giấy, vải vụn... của người lao động (NLĐ) Công ty và người dân khu vực lân cận. Mô hình đã thu hút đông đảo NLĐ Công ty và nhân dân 7 phường của thành phố tham gia.

Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Mô hình "ATM rác" xuất phát từ mô hình "Biến rác thành tiền" của các cấp hội phụ nữ. "ATM rác" mang lại "lợi ích kép", không chỉ giải bài toán về kinh tế cho doanh nghiệp, BVMT, tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn từng bước hình thành thói quen phân loại rác của NLĐ Công ty và cộng đồng cư dân. Đây cũng là nền tảng của kinh tế tuần hoàn, từng bước đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất bao bì đựng xi măng, sản xuất giấy Kraft dùng trong bao bì xi măng.

Du khách trải nghiệm làm sản phẩm tái chế từ rác tại HTX Green Life Hạ Long.

Bắt gặp những hình ảnh rác thải nhựa xuất hiện ở nhiều nơi, chị Trần Thị Hương, Giám đốc HTX Green Life Hạ Long, đã nảy ý tưởng tổ chức thu gom, phân loại, tái chế những phế liệu đó thành sản phẩm hữu dụng. Từ những vỏ chai, vỏ lon bia, pano, áp phích, lốp xe cũ, thùng sơn cũ… các thành viên HTX đã khéo léo tái chế, gia công, thiết kế thành những món đồ đẹp - độc - lạ. Những chiếc pano, áp phích cũ được biến thành túi đi chợ; lốp xe cũ thành chậu trồng cây cảnh; thùng sơn cũ thành thùng đựng rác mới; vải thừa kết hợp may thành túi vải… Các sản phẩm của HTX đa dạng về mẫu mã, chủng loại, như: Túi xách đi chợ, túi vải đeo, ba lô học sinh, túi đựng tài liệu…; mang tính thẩm mỹ cao, thân thiện với môi trường, được nhiều người yêu thích.

Chị Trần Thị Hương cho biết: Các sản phẩm tái chế của HTX hiện được bán với giá từ 20.000-200.000 đồng/sản phẩm. Nhờ đó, HTX đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ. Từ cuối tháng 5/2022, HTX mở cửa đón du khách tham quan, trải nghiệm, khám phá. Xu hướng khoa học xanh, tái chế bền vững, BVMT, thời gian tới HTX phát triển thành điểm đến cho du khách tham quan, trải nghiệm, tự sáng tạo sản phẩm tái chế.

Chi hội Tàu du lịch Hạ Long tiên phong tham gia mô hình "Cánh buồm xanh" do UBND tỉnh phát động. Đến nay, mô hình thu hút 60 đơn vị là thành viên của Chi hội tham gia. Tham gia mô hình, các đơn vị đều nỗ lực trong việc BVMT, sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, góp phần bảo vệ Di sản, phát triển du lịch bền vững, như: Không sử dụng cốc, chai, bát... nhựa; tuyên truyền chống rác thải nhựa; lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước, thực hiện nghiêm việc không xả thải ra môi trường biển. Các hoạt động thiết thực này góp phần quan trọng BVMT, phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Hội viên phụ nữ phường Cẩm Trung (TP Cẩm Phả) tham gia mô hình "Biến rác thành tiền".

Thời gian tới, các mô hình BVMT thiết thực, hiệu quả sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa trong từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị để chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.

Cao Quỳnh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 70