Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản theo quy hoạch: Đảm bảo hài hoà lợi ích kinh tế và xã hội
Nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại, đồng thời để đảm bảo lợi ích kinh tế và các vấn đề môi trường, xã hội, thời gian qua, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
“Điểm nóng” về khai thác khoáng sản
Quảng Ninh là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú của cả nước. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, toàn tỉnh có 243 mỏ và điểm quặng của 33 loại khoáng sản thuộc 6 nhóm khoáng sản bao gồm: Khoáng sản cháy là than đá; khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; khoáng chất công nghiệp; khoáng sản vật liệu xây dựng. Sản lượng khoáng sản nguyên khai một năm của đá vật liệu xây dựng là trên 1,4 triệu m3, sét gạch ngói là trên 474 nghìn m3, cát sỏi xây dựng pyrophilit là trên 79 nghìn tấn, đá vôi xi măng là trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng là trên 1,3 triệu tấn, nước khoáng là trên 76 nghìn m3, than là trên 40 triệu tấn, các loại khoáng sản khác là trên 2 nghìn tấn. Những con số này đã cho thấy nguồn tài nguyên khoáng sản của Quảng Ninh vô cùng phong phú và dồi dào, điều đó đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của tỉnh hình thành và phát triển.
Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, các giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực đến hết ngày 20-1-2014 toàn tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là 94 giấy phép (77 giấy phép khai thác than, 4 giấy phép khai thác đá vôi và xi măng, 4 giấy phép khai thác nước khoáng, 1 giấy phép khai thác cát thuỷ tinh, 4 giấy phép khai thác quặng Pyrophilit), UBND tỉnh cấp 102 giấy phép (39 giấy phép khai thác đá, 44 giấy phép khai thác sét, 8 giấy phép khai thác cát vật liệu xây dựng và cát san lấp, 11 giấy phép khai thác các loại khoáng sản khác). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Quảng Ninh cũng là một trong những điểm “nóng” về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Do địa hình tự nhiên có nhiều đồi núi, có tài nguyên than nằm xen kẽ trong khu dân cư nên tình trạng lén lút khai thác, vận chuyển than trái phép nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp. Thực trạng đó không chỉ tác động xấu đến môi trường sống, thất thoát tài nguyên của quốc gia mà còn gây nên những khó khăn về đảm bảo an ninh trật tự.
Mới đây nhất, cuối tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh phối hợp với Công an TP Hạ Long, Công ty CP Than Hà Lầm bắt quả tang 5 đối tượng khai thác than trái phép tại ranh giới quản lý của Công ty CP Than Hà Lầm thuộc khu vực đồi tên lửa, tổ 44, khu 4, phường Hà Trung (TP Hạ Long). Các đối tượng này đang khai thác than trái phép tại cửa lò có kích thước 1,5mx1,5m và sâu khoảng 40 mét. Tại thời điểm kiểm tra, ngay cạnh cửa lò có 30 tấn than nguyên khai, cùng một số dụng cụ phục vụ cho việc khai thác than. Bên cạnh hoạt động khai thác than trái phép, công tác quản lý tài nguyên cát, sét cũng có dấu hiệu “nóng” trở lại. Đó là sự xuất hiện tình trạng các tàu nhỏ lén lút khai thác cát trên sông Cầm vào ban đêm. Đối với tài nguyên sét, nhất là khu vực xã Kim Sơn cũng đã bị một số hộ dân lợi dụng việc nạo vét ao nuôi thuỷ sản để tận thu khai thác tài nguyên sét trái phép. Việc này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, mất an ninh trật tự, mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Quyết liệt lập lại trật tự
Nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại, đồng thời để đảm bảo lợi ích kinh tế và các vấn đề môi trường và xã hội, thời gian qua, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý tốt việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản, chỉ thị chỉ đạo nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Các quy định của pháp luật đã được phổ biến sâu rộng tới người dân để từ đó người dân tự nguyện giám sát, phát hiện tố giác, cùng với chính quyền và các ngành chức năng chủ động phòng, chống các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các ngành chức năng cũng tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số thủ tục nhằm cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Công tác thanh, kiểm tra được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh rà soát các khu vực được cấp phép khai thác cát trên địa bàn quản lý, nhưng đến nay giấy phép đã hết hạn, yêu cầu tổ chức, cá nhân lập thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo quy định, nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân khai thác cát, sỏi khi chưa được cấp phép.
Đặc biệt, nhằm ngăn chặn nạn khai thác than trái phép trong đất ở, đất vườn của các hộ dân trên địa bàn TP Hạ Long, UBND tỉnh vừa có Công văn số 2842/UBND-CV, chỉ đạo TP Hạ Long kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác than trái phép. Theo đó, thành phố sẽ tổ chức lập biên bản đối với các hộ gia đình có vườn rừng, đất nằm trong ranh giới quản lý tài nguyên than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, cam kết không khai thác than trái phép và không cho người vào khai thác than trái phép trên đất gia đình quản lý, nếu vi phạm yêu cầu lập hồ sơ khởi tố.
Bên cạnh những giải pháp cụ thể trên, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển hài hoà giữa nền kinh tế với các yếu tố về xã hội, môi trường, Quảng Ninh cũng đang triển khai xây dựng khá nhiều quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh như: Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030... Ngoài ra, tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trình Chính phủ phê duyệt. Các ngành chức năng cũng đã hạn chế việc cấp phép mới về khai thác khoáng sản mà chỉ gia hạn cho những đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về khai thác khoáng sản.
Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ trên, hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng đi vào nền nếp, ổn định. Tuy nhiên, công việc khó khăn này vẫn cần phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ các cấp, ngành tới người dân.
Tin tức khác
- Trường THCS Kim Đồng kỷ niệm 60 năm thành lập (1964-2024)
- 13.500 người từ 55 nước tham gia giải chạy Di sản Hạ Long
- Tài liệu giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long
- Quảng Ninh: Phường Trần Hưng Đạo trung tâm phát triển của thành phố Hạ Long