Quảng Ninh siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản: Thúc đẩy lộ trình phát triển xanh, bền vững
Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản đã góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển xanh, bền vững của địa phương.
Hoạt động khoáng sản ngày càng ổn định, đi vào trật tự, nền nếp
Việc đưa hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng đi vào trật tự, nền nếp, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là tài nguyên than luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Đặc biệt trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng công an, bí thư, trưởng các thôn, khu, nếu để xảy ra khai thác than, khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Trong lộ trình phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng để hoàn nguyên môi trường
Ông Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, Sở đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản trong công tác chỉ đạo quản lý tài nguyên, khoáng sản than, triển khai thực hiện Quy hoạch, quản lý, sử dụng đất hoạt động khoáng sản, giao đất, cho thuê đất khai thác khoáng sản. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững.
Hiện, trên địa bàn TP. Hạ Long có 22/33 xã, phường có hoạt động khai thác than, cát, đá, sét, đất san nền. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quản lý tốt tài nguyên than, khoáng sản; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời, chính quyền các xã, phường đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các đơn vị ngành Than làm tốt công tác bảo vệ ranh giới mỏ, cảng, bến bãi chế biến, tiêu thụ than.
Trưởng phòng TN&MT TP. Hạ Long Nguyễn Thanh Ân cho biết: Những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than và các khoáng sản khác, kiện toàn tổ chức các lực lượng chức năng để xử lý các vi phạm về tài nguyên, khoáng sản.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã tiến hành kiểm tra, tuần tra 401 lượt. Qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy, trên địa bàn không xảy ra việc khai thác than trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra hoạt động vận chuyển, mua bán, tập kết than không có nguồn gốc hợp pháp. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 21 vụ với 21 đối tượng có hành vi mua, bán, vận chuyển trái phép 145 tấn than các loại, xử phạt vi phạm hành chính 205 triệu đồng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc chỉ đạo điều hành, quản lý, hoạt động quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định, đi vào trật tự, nền nếp, không để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Trong quản lý, sử dụng đất hoạt động khoáng sản, 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã cho 96 tổ chức thuê đất với diện tích 1.670,62ha, giao đất cho 85 tổ chức với diện tích 2.054,95ha, gia hạn thời gian sử dụng đất cho 78 tổ chức với diện tích 1.286,5ha, thu hồi đất của 45 tổ chức với diện tích là 1.117,01ha. Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh đã phê duyệt giá đất cụ thể đối với 25 dự án, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 39 hồ sơ cấp mới, đăng ký biến động quyền sử dụng đất với 212 giấy chứng nhận của các tổ chức.
Đồng bộ các giải pháp quản lý
Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030 đã thể hiện quyết tâm của Quảng Ninh trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường hướng đến phát triển bền vững.
Trong đó, Nghị quyết số 10 đã xác định sử dụng nguồn đất đá thải mỏ thay thế nguồn đất đồi truyền thống là yêu cầu cấp thiết trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ đó, giải quyết vấn đề nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ phát triển kinh tế và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác than, giảm thiểu tác động của các bãi thải mỏ tới đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Chia sẻ về cách làm của TP. Hạ Long, ông Nguyễn Thanh Ân cho biết thêm: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thành phố đã làm việc với các đơn vị ngành Than và một số doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm dần hoạt động khai thác lộ thiên, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc khai thác đối với một số loại khoáng sản có tác động xấu đến môi trường, nhất là tại một số khu vực có lợi thế phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sạch và nông nghiệp chất lượng cao.
Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin liên quan đến các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh than, cát, đá, sỏi, sét, đất san nền, các hoạt động khai thác đất, san lấp mặt bằng trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên than, khoáng sản.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định đấu tranh, phòng chống việc khai thác cát, sỏi trái phép là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong đó, tỉnh giao các lực lượng chức năng lựa chọn địa bàn phức tạp, tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến, nhất là phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc đấu tranh chống tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ các bến bãi, tập kết, kinh doanh cát sỏi, kiên quyết xóa bỏ các bến bãi kinh doanh cát, sỏi trái phép.
Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, đến nay trên địa bàn Quảng Ninh không có những điểm phức tạp về khai thác than, khoáng sản trái phép. Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than, khoáng sản đã được kiểm soát toàn diện; trật tự trong khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, khoáng sản được giữ vững, góp phần xây dựng phát triển Quảng Ninh theo hướng xanh, bền vững - ông Phạm Văn Cường cho biết thêm.
Theo Baotainguyenmoitruong.vn
Tin tức khác
- Hạ Long Triều cường dâng cao, người dân chật vật di chuyển
- Triển khai phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại Tổ 11 Khu 4 phường Trần Hưng Đạo
- Trường THCS Kim Đồng kỷ niệm 60 năm thành lập (1964-2024)
- 13.500 người từ 55 nước tham gia giải chạy Di sản Hạ Long
- Tài liệu giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024