Quảng Ninh: Xây dựng giải pháp thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại Hải Hà
Nâng cao công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các kế hoạch tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo theo quy định.
Chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, phần lớn chưa được phân loại, khoảng 35-40 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị khoảng 20-25 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 15-20 tấn/ngày.
Toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng hình thức đốt và chôn lấp tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Xử lý chất thải Miền Đông (thôn 5, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) và các lò đốt rác mini. Năm 2022, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện khoảng 10.007,38 tấn, trong đó ở thị trấn Quảng Hà hơn 6.200 tấn.
Từ năm 2022, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Bảo Linh thực hiện thu gom toàn bộ rác thải rắn sinh hoạt tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, bước đầu khắc phục được tình trạng ùn ứ rác thải. Đối với thị trấn Quảng Hà, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom từ hộ gia đình bằng các xe chở rác đẩy tay, tập trung tại 14 điểm tập kết; xe chở rác chuyên dụng thu gom, vận chuyển đến khu vực xử lý với tần suất 1 lần/ngày.
Riêng đối với KCN Cảng biển Hải Hà, năm 2022 lượng chất thải rắn là 772,336 tấn, được các nhà đầu tư thứ cấp thu gom về khu vực lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt của nhà máy và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng: Công ty TNHH Nhà sạch Móng Cái, Công ty TNHH MTV Vệ sinh môi trường Hải Hà, Công ty CP Xử lý chất thải Miền Đông, định kỳ vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.
Một đoạn nước thải tại khu vực cổng chợ Trung tâm Hải Hà 2 ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Ông Phạm Văn Thọ, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, cho biết: Lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện hiện khoảng 6.671,34 m3/ngày, trong đó nước thải sinh hoạt khu vực đô thị khoảng 1.816 m3/ngày. Huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, nên toàn bộ xử lý sơ bộ qua hệ thống bể phốt của các hộ gia đình, thải ra hệ thống cống thoát nước chung, có hố ga xử lý, sau đó thải ra môi trường. Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý khu đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 64%.
Để xử lý nước thải sinh hoạt của các dự án khu đô thị mới, huyện chỉ đạo chủ đầu tư các dự án xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt, đảm bảo nước thải sau xử lý xả vào nguồn tiếp nhận phải đảm bảo quy chuẩn. Đến nay, trên địa bàn huyện có dự án Khu dân cư phố Phan Đình Phùng (thị trấn Quảng Hà) do Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai làm chủ đầu tư, đã xây dựng trạm xử lý nước thải, công suất 220m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của dự án, được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 4179/QĐ-UBND ngày 10/11/2020.
HĐND huyện đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án xử lý nước thải khu trung tâm thị trấn Quảng Hà (giai đoạn 1) thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ. Tuy nhiên, năm 2020 được tỉnh đưa vào thu hút đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, đến nay chưa có nhà đầu tư nào vào để triển khai dự án.
Theo báo Môi trường & Cuộc sống
Tin tức khác
- Trường THCS Kim Đồng kỷ niệm 60 năm thành lập (1964-2024)
- 13.500 người từ 55 nước tham gia giải chạy Di sản Hạ Long
- Tài liệu giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long
- Quảng Ninh: Phường Trần Hưng Đạo trung tâm phát triển của thành phố Hạ Long