Sâu sát các nhiệm vụ trong tiến trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng năm và cả giai đoạn. Bên cạnh phát huy những mặt tích cực, tỉnh tiếp tục chủ động phân tích những điểm nghẽn, đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ mới.

Tỉnh Quảng Ninh tích cực tổ chức các hội thảo, diễn đàn về công nghệ để thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới của chuyển đổi số vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 40 nhiệm vụ, giải pháp. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay có 16/20 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 80%); 4/20 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện đến hết năm 2025 (chiếm 20%).

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm tốp đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng vị trí thứ 3/63 các tỉnh/thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) năm 2022; đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, kết quả công bố cải cách hành chính các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 về chỉ số thành phần Chính quyền số. Tại hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số, Quảng Ninh được biểu dương là địa phương điển hình trong nhóm tốp đầu về hạ tầng số.

Cùng với việc tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết số 09, tỉnh luôn sâu sát với thực tế, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác chuyển đổi số theo từng năm. Nhờ sự quyết tâm, quyết liệt, kết quả các nội dung chuyển đổi số của tỉnh ngày càng được cải thiện tích cực. Nhận thức số của tất cả các cấp, các ngành và người dân ngày càng được nâng cao; thể chế số, nền tảng số từng bước được hoàn thiện và hoạt động hiệu quả; việc phát triển, nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng số được quan tâm, duy trì nhóm tốp đầu cả nước; các cơ quan, đơn vị, địa phương nỗ lực xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia…

Cùng với đó, tỉnh tích cực xây dựng nguồn nhân lực số; bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng số cho đội ngũ CBCCVC-LĐ; đưa chuyển đổi số đi vào các hoạt động giáo dục và đào tạo. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng được triển khai tốt, không ghi nhận sự cố nào đáng chú ý trên toàn hệ thống; các thiết bị, phần mềm đảm bảo an ninh, an toàn cho kết nối giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được duy trì và vận hành hiệu quả…

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song tỉnh Quảng Ninh vẫn thẳng thắn nhìn nhận và phân tích rõ nguyên nhân của nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, như: Việc số hóa hồ sơ giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã mới chỉ thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào và ký số kết quả giải quyết TTHC, chưa thực hiện số hóa thành phần hồ sơ để tái sử dụng và chưa lưu được kết quả số hóa vào các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc kho dữ liệu hồ sơ TTHC; hệ thống thông tin giải quyết TTHC hoạt động thiếu ổn định, tốc độ chậm hoặc xảy ra sự cố; quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn phát sinh một số vướng mắc chưa được khắc phục… Nhiều trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số đến nay hư hỏng, lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả; nhận thức của người dân chưa đồng đều…


Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long theo giám sát quy trình, chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp trên các hệ thống phần mềm, camera hiện đại.

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trên nhằm tiến nhanh, tiến chắc hơn nữa trên hành trình chuyển đổi số, tỉnh tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên, như: Du lịch, nội vụ, công thương, giao thông vận tải…; triển khai có hiệu quả hơn nữa Kế hoạch số 178/KH-UBND (ngày 6/8/2024) về thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai kho dữ liệu dùng chung và Cổng dữ liệu mở của tỉnh…

Tỉnh cũng đang khẩn trương kiến nghị và đề xuất trung ương một số nội dung cấp bách, như: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện các TTHC theo quy trình số hóa; tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu chuyên ngành phục vụ đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiệu quả, tiết kiệm thời gian; nghiên cứu chỉnh sửa các bước, thao tác khi thực hiện trên Cổng dịch vụ công theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện hơn; sớm trang bị các hệ thống máy móc, trang thiết bị chuyên ngành (máy quét mã QR Căn cước công dân, máy đọc thẻ chip căn cước công dân...) để phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công các cấp…

Đồng thời, tỉnh đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường nguồn nhân lực CNTT có kiến thức sâu về chuyển đổi số để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số hiện nay; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ công nghệ số cộng đồng giúp lan tỏa công nghệ số trong cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội diễn ra mạnh mẽ hơn…

Phương Thảo -THĐ (Theo: CTTĐT QN)

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 69