Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè

Hè đến với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus gây bệnh đường ruột phát triển. Chính vì thế đây cũng là thời điểm gia tăng nguy cơ tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm.

1. Vì sao mùa nắng nóng dễ bị ngộ độc thực phẩm?

- Thời tiết nóng bức cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, nhất là trong đường tiêu hóa sinh sôi và phát triển. Trong khi đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu…

- Thức ăn chưa được nấu chín kĩ để tiêu diệt vi khuẩn làm vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn.

- Nhiều nơi có điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhiều người vẫn phải nấu thức ăn với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hoặc chế biến trong môi trường không đảm bảo vệ sinh… dễ dẫn đến tiêu chảy và ngộ độc thức ăn. Chính vì thế, môi trường ô nhiễm, nước thải sinh hoạt kém là điều kiện thuận lợi cho virus xuất hiện và gây bệnh.

- Thực phẩm và rau quả chưa được rửa sạch và đúng cách.

- Nắng nóng nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bán sẵn không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc và tiêu chảy, đau bụng từng cơn là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm.

2. Triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm

Đa số bệnh nhân bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm đều có một trong những triệu chứng sau:

- Người bệnh đột nhiên buồn nôn, khó chịu.

- Người bệnh đi ngoài phân lỏng và đau bụng.

Tuy nhiên nhiều trường hợp ngộ độc nhẹ nên biểu hiện tiêu chảy cấp cũng không rõ rệt.

- Đặc điểm nổi bật cần lưu ý nếu bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, khoảng trên 4 lần/ ngày. Tuy nhiên đi ngoài không xối xả như những người mắc tả. Người bị tiêu chảy do ngộ độc sẽ đau quặn bụng từng cơn. Ở một số trường hợp có thể có sốt nhẹ. Cơ thể mệt mỏi vì mất nước.

Các triệu chứng rầm rộ trên có thể bắt đầu trong vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn các thực phẩm bị ô nhiễm.

- Đặc biệt, nhiều trường hợp nặng sẽ bị mất nước và rối loạn điện giải như: Bệnh nhân khát nước, cảm giác miệng khô, bệnh nhân tiểu ít hoặc không có và kèm theo triệu chứng đau dầu, chóng mặt và mệt mỏi rũ rượi.

Ngay khi có dấu hiệu và triệu chứng giống như ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh để nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm nặng và loại trừ các tình huống nguy hiểm cấp cứu như: viêm ruột thừa cấp hay những tình trạng bụng ngoại khoa khác.

3. Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè

- Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chuẩn bị, chế biến thức ăn và trước khi ăn. Dụng cụ chế biến và ăn uống cũng cần được vệ sinh ngay sau khi sử dụng. Bề mặt bàn bếp, nơi chế biến thực phẩm cũng cần được lau rửa bằng dung dịch diệt khuẩn hàng ngày.

- Không sử dụng thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, nấm mốc. Đảm bảo ăn chín - uống chín, hạn chế những món ăn chưa qua chế biến nhiệt như rau sống, gỏi thịt sống, nem chua, tiết canh…

- Nước sử dụng làm lạnh, làm đá cần được tiệt khuẩn trước khi sử dụng.

- Thực phẩm đã chế biến hoặc món ăn chưa sử dụng hết chỉ nên để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó bảo quản ở tủ lạnh.

- Mùa Hè có nhiều rau quả tươi ngon, nhưng lại có khả năng gây ngộ độc hoặc nhiễm khuẩn chéo khi bảo quản chung. Do đó, bạn cần rửa rau nhiều lần dưới vòi nước chảy trước khi chế biến hoặc cất vào tủ lạnh. Khi dùng các loại quả tươi cần phải ngâm qua nước muối loãng, gọt vỏ trước khi ăn.

Trạm Y tế phường 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1439